Đình Cháy được xây dựng vào thế kỷ XIX để thờ
Thành hoàng làng là thần Cao Sơn - Cao Các, ngoài ra còn thờ Võ tướng Quan
Lương có công giúp Vua Lê đánh giặc Minh; thờ ông tổ ca trù Trần Đức Chính.
Ngày trước, đình là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân làng Yên Lý Ngoại, xã
Yên Lý. Nay đình tọa lạc giữa một vùng dân cư đông đúc và là nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư của xóm
6, xã Diễn Yên.
Đình Cháy có kiến trúc khá đồ sộ, gồm 5 gian gỗ
lim được thiết kế theo kiểu "chồng rường chồng đấu", "chồng
rường giả thủ" với không gian thoáng đãng. Đặc biệt trên khung gỗ của đình
được điêu khắc chạm trổ công phu tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Ảnh: Huy Thư
Trong 6 vì của đình, 2 vì đốc tập trung thể
hiện nhiều đề tài truyền thống. Trong ảnh: Vì đốc đối diện cửa ra vào chính của
đình, phần trên điêu khắc hình ảnh rồng vờn long mã một cách sống động, phía
dưới khắc 3 chữ Hán lớn: Chiêu - Kỳ - Văn. Ảnh: Huy Thư
Trung tâm của bức phù điêu là hình ảnh rồng
cuộn trong mây với chiếc đầu nhô cao, sắc sảo, phía trên có râu, bờm như tung
theo gió. Hai bên có hình ảnh long mã, cá chép, hoa sen chầu về tạo nên vẻ đẹp
uy linh. Ảnh: Huy Thư
Vì đốc trên cửa ra vào của đình được điêu khắc
với mật độ dày đặc. Phần trên cùng của vì nóc là hình ảnh "Hổ phù ngậm chữ
thọ", phía dưới là hình ảnh "Lưỡng long triều nguyệt". Trung tâm
của vì nóc là hình ảnh chim phượng đang tung cánh. Nhiều chi tiết trên vì nóc
được trang trí hoa văn, hoa lá... khá sống động. Ảnh: Huy Thư
Ở đình Cháy, hình ảnh chim phượng có mặt ở
nhiều kết cấu gỗ, nhưng hình ảnh chim phượng thể hiện trên vì đốc khá đặc sắc
với kích thước lớn, chiếc đầu nhô cao, con mắt mở to, đôi cánh giang rộng, đôi
chân vững chãi, sắc nhọn. Ảnh: Huy Thư
Trên các vì nách của đình, hình ảnh rồng, long
mã... được điêu khắc sắc nét, là đối tượng trung tâm của các tác phẩm. Hình ảnh
long mã với đầu rồng đang há miệng, giương mắt, thân ngựa đầy vảy, 4 chân chùng
xuống như đang phô diễn sức mạnh. Nghệ thuật điêu khắc gỗ ở đình Cháy được xem
là đạt trình độ kỹ xảo điêu luyện, tài năng bậc thầy của nghệ nhân xưa. Ảnh:
Huy Thư
"Liên quy" là hình ảnh thường
được thể hiện trên các công trình kiến trúc cổ, tuy nhiên hình ảnh hoa sen và
rùa trên đình Cháy mang vẻ đẹp mềm mại hiếm có. Hình ảnh con rùa có chiếc mai
in rõ những hình khối nhô đầu giữa ao sen với hoa lá, gương sen che phủ khá ấn
tượng. Ảnh: Huy Thư
Các vì giữa của đình
Cháy thấy rõ kết cấu "chồng rường chồng đấu", "chồng rường giả
thủ"... của kiến trúc nhà gỗ xưa. Đầu giao của xà, hạ, các đấu kê... được
điêu khắc chạm trổ những hình ảnh hoa lá, vân mây... cách điệu, làm cho khung
đình trở nên thanh thoát. Ảnh: Huy Thư
Ông Lê Hữu Nghiệm (65
tuổi) - Phó Bí thư Chi bộ xóm 6, xã Diễn Yên, một người có nhiều hiểu biết về
đình Cháy chia sẻ: Đình Cháy được xây dựng vào năm 1856, lạc khoản của đình ghi
"Tự Đức cửu niên, Bính Thìn ngũ nguyệt khởi công, bát nguyệt hoàn
thành" (Đình khởi công tháng 5, hoàn thành tháng 8 năm Tự Đức thứ 9).
Trong quá trình chống Pháp, đình đã bị đốt cháy, nên người dân địa phương gọi
là đình Cháy. Ảnh: Huy Thư
Không chỉ đặc sắc về
điêu khắc gỗ, trên đình Cháy, nhiều mảng phù điêu được đắp nổi bằng vôi vữa,
mảnh sứ, thể hiện các đề tài truyền thống như mặt hổ phù, hình ảnh rồng,
phượng, nghê cũng khá độc đáo. Do tác động của tự nhiên, những bức phù điêu này
ít nhiều đã bị hư hỏng. Hiện đình Cháy có 2 công năng chính: nơi thờ tự thần
linh và hội trường của xóm. Tồn tại qua hàng trăm năm, ngôi đình cổ là niềm tự
hào của người dân địa phương. Ảnh: Huy Thư