Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911- 05/6/2024)
1. Hành trang ban đầu của Nguyễn Tất
Thành khi ra nước ngoài là tri thức về văn hóa phương Đông và phương Tây, lòng
yêu nước nhiệt thành, tiếp thu có chọn lọc con đường cứu nước của các nhà yêu
nước lớp trước và một dự định rõ rệt, lớn lao, đó là “xem nước Pháp và các nước
khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”, đó
là dự định đi tìm con đường cứu nước, cứu dân. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, trên
con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, từ bến cảng Nhà Rồng của Thành phố Sài Gòn,
Nguyễn Tất Thành đã lên đường sang Pháp. Người làm bất cứ việc gì để sống và
hoạt động (phụ bếp dưới tàu, làm bánh trong các khách sạn, cào tuyết, đốt lò,
chụp ảnh…). Gần mười năm, vừa lao động kiếm sống, vừa tiến hành khảo sát thực
tiễn nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa, khảo sát các cuộc cách mạng ở các
nước Pháp, Anh, Mỹ… Nguyễn Tất Thành đã có nhận thức quan trọng là: cách mạng
tư sản là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng là những cuộc cách mạng chưa đến
nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những
ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người. Cách mạng tư sản
xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong
rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Từ
đó, Người đi đến kết luận, chúng ta đổ xương máu để làm cách mạng thì không đi
theo con đường cách mạng này. Nguyễn Tất Thành đã tìm ra những mặt trái của xã
hội phương Tây, nhận ra “ở đâu cũng có người nghèo khổ như xứ sở mình” do ách
áp bức, bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Điều đó đã giúp Người có
một nhận thức quan trọng: nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại
để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị; cùng nhau thực hiện
nguyện vọng chung là độc lập, tự do.

2. Sống hoà mình cùng Nhân dân lao động
và phong trào đấu tranh của công nhân Pháp, Nguyễn Ái Quốc say sưa hoạt động
cách mạng, viết báo, hội họp, tuyên truyền, cổ động. Năm 1917, Nguyễn Tất Thành
tham gia hoạt động trong phong trào của những người Việt yêu nước
tại Pháp. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ảnh hưởng rất lớn
đến tình cảm và nhận thức của Người. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia
Đảng xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những
người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Vécxây yêu cầu
về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tám yêu cầu
không được chấp nhận, nhưng đã vạch trần bản chất giả dối của các cường quốc
thống trị, đồng thời cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức tỉnh táo là
các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức lực của bản thân mình.

3. Ra đi tìm đường cứu nước với tuổi đời
còn rất trẻ và từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, lúc đó Nguyễn Ái Quốc
chưa có một ý niệm rõ ràng về giai cấp, đấu tranh giai cấp, đảng chính trị, chủ
nghĩa Mác - Lênin... Từ những hoạt động thực tiễn trên và đọc “Sơ thảo lần thứ
nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo
L’Humanité tháng 7/1920, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong bối cảnh
bấy giờ, có nhiều trí thức Việt Nam sống tại Pháp, nhưng Người đã thể hiện tính
vượt trội của tư tưởng khi nhận ra được chân lý lớn nhất của thời đại. Luận
cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường giành độc
lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham
gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng
vô sản ở chính quốc… Luận cương đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới
quan cộng sản của Nguyễn Ái Quốc.
4. Quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác -
Lênin của Nguyễn Ái Quốc ngày càng có hệ thống và hoàn thiện khi Người tham gia
Đảng Cộng sản Pháp, học tập ở Đại học phương Đông, sống trong không khí sục sôi
ở trung tâm phong trào cộng sản ở Nga, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Nhận thức
của Người về sức mạnh của nhân dân lao động thế giới, về mối quan hệ giữa các
dân tộc bị áp bức, giữa cách mạng ở các nước thuộc địa và các nước chính quốc
trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản của giai
cấp công nhân, về chính quyền cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng… ngày càng
sâu sắc và có những luận điểm bổ sung, phát triển, sáng tạo. Sự kiện Nguyễn Ái
Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản
Pháp tháng 12/1920 là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình đi tìm đường
cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về
chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người - từ một nhà
yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cộng sản. Đồng thời, sự kiện đó cũng
đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở đầu quá trình
kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Từ đây, cách mạng Việt bắt đầu đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con
đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội bắt đầu hình
thành.
5. Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng
Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người bắt đầu xây dựng những nhân tố bảo đảm cho
cách mạng Việt Nam: truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, khơi dậy tinh
thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, xây dựng tổ chức tiền thân của Đảng
Cộng sản Việt Nam, phát triển lực lượng cách mạng… Việc Chánh cương vắn tắt,
Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Người dự thảo được thông qua tại Hội nghị
hợp nhất, chứng tỏ đến 1930, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng
Việt Nam đã được hình thành cơ bản.
6. Sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, ngày
28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh
cách mạng. Một trang mới mở ra trong cuộc đời cách mạng của Người
và cũng là bước ngoặt mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
Việt Nam.
*
Việc tìm ra con đường cứu nước, con đường phát triển của dân tộc của Nguyễn Ái
Quốc có ý nghĩa lịch sử to lớn, đó là:
- Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, với học
thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền móng cho lý luận
cách mạng Việt Nam trong thời đại mới; chấm dứt khủng hoảng đường lối cứu nước
triền miên từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX; tìm thấy đường lối phát triển
đúng đắn cho dân tộc, phù hợp với trào lưu tiến hoá chung của nhân loại và xu
thế của thời đại.
- Hồ Chí Minh đã đem ánh sáng chủ nghĩa
Mác - Lênin soi đường cho phong trào yêu nước, chủ nghĩa yêu nước truyền thống
Việt Nam, làm cho chủ nghĩa yêu nước vươn lên tầm thời đại, trở thành chủ nghĩa
yêu nước Hồ Chí Minh, mà sau này biểu tượng sáng chói trong hai cuộc kháng
chiến lừng lẫy của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong
công cuộc tái thiết và phát triển đất nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội.
- Với việc tìm ra con đường cứu nước,
phát triển của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đóng góp to lớn, thiết thực
chuẩn bị cho việc mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng
vô sản nói chung, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ
thuộc trên thế giới và châu Á nói riêng.