Trong
những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công
tác phòng, chống bạo lực gia đình. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006,
Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, 2022, Luật hôn nhân và gia đình năm
2014, Luật trẻ em năm 2016 là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và
lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và
trẻ em rất dễ trở thành đối tượng, nạn nhân của bạo lực gia đình. Những
văn bản Luật này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội
trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng đánh giá một cách khách
quan các văn bản quy phạm pháp luật này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự
quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa đi vào chiều sâu, tình trạng bạo lực
trong gia đình chưa có nhiều thay đổi và chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Ngày nay,
khi chúng ta đang chung tay xây dựng xã hội văn minh hiện đại, gia đình no ấm,
tiến bộ, hạnh phúc thì đâu đó tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và
diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức. Vì vậy cộng đồng và mỗi công dân cần
phải đấu tranh để hạn chế và từng bước ngăn chặn, xóa bạo lực gia đình trong
đời sống xã hội.
I. Thực trạng bạo lực giữa các thành viên
trong gia đình:
Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình có thể
thấy là dạng bạo lực phổ biến nhất giữa các thành viên trong gia đình. Hành vi
người chồng gây ra chủ yếu và lớn nhất là bạo lực về thể chất, đây là dạng dễ
nhận thấy và bị lên án mạnh mẽ nhất. Sỡ dĩ đa phần người đàn ông sử dụng nắm
đấm để dạy vợ là do họ không nhận thức được rằng hành vi của mình là vi
phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi bạo lực của người chồng
đều là bạo lực về thể chất mà có những lúc, họ dùng tới nhiều cách khác để gây
ra những tổn thương về tâm lý cho người vợ: mắng mỏ, chửi bới, xúc phạm danh
dự; hoặc có những hành vi cưỡng bức về tình dục, kiểm soát về kinh
tế... Ngược lại trong xã hội ngày nay, hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực
đối với chồng cũng không phải là hiếm. Không chỉ dừng lại ở những lời lẽ chửi
bới, những cách ứng xử thô bạo mà họ còn trực tiếp gây ra những tổn thương về
thể chất hoặc tính mạng của người chồng.
Tóm lại, bạo lực gia đình xuất phát từ cả hai phía vợ và chồng
đang ngày càng phát triển và gây nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm
trọng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân
của hiện tượng này rất nhiều, ngoài vấn đề tâm lý còn phải kể đến vấn đề đạo đức,
kiến thức giải quyết mâu thuẫn gia đình.
Ngoài ra hiện nay còn có tình trạng bạo lực giữa cha mẹ và con
cái. Với tâm lý, truyền thống, thói quen của người Việt, vấn đề bạo lực giữa
cha mẹ với con cái được xã hội chấp nhận và khá phổ biến. Có thể dễ dàng nhận
thấy đó là những hành động dạy bảo con cái xuất phát từ cái quan niệm gọi
là “Yêu cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi” và giáo dục thì cần
phải nghiêm khắc. Rất nhiều ông bố bà mẹ coi việc đánh đập, chửi mắng con cái
khi chúng mắc lỗi là cần thiết để chúng nhận ra sai lầm và sửa chữa; hay coi
việc mạt sát, trách móc là động lực để con cái phấn đấu. Trên thực tế chúng ta
đều có thể nhận thấy, cách làm này phần nào phù hợp với tâm lý của người Việt
và đạt được những kết quả nhất định ở trong thời kỳ phong kiến. Tuy nhiên,
trong xã hội ngày nay, khi những chuẩn mực tiến bộ về quyền con người đã và
đang phổ biến trên thế giới thì những tư tưởng, cách làm này cần được sớm loại
bỏ. Đặc biệt, là những trường hợp bạo lực với con cái vượt ra ngoài phạm vi giáo
dục - một tình trạng ngày càng gia tăng thì cần phải bị trừng trị nghiêm khắc.
Bên cạnh những hành vi từ phía cha mẹ đối với con cái, bạo lực
gia đình xuất phát từ người con đối với cha mẹ mình cũng đang ngày càng gia
tăng. Một số trường hợp người trẻ tuổi gây ra những tổn thương về cả vật chất,
tinh thần cho cha mẹ do sự thiếu kiềm chế, do đua đòi hư hỏng hoặc một vài lý
do khác. Tuy nhiên, không thể bào chữa, biện hộ cho những người con đã khôn lớn
trưởng thành dưới bàn tay yêu thương, nuôi dạy của cha mẹ nhưng lại bỏ bê,
không chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, thậm chí hơn là đánh đập, chửi mắng, xỉ nhục
những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng mình. Chúng ta có thể dễ dàng
nhìn thấy nguyên nhân đơn giản dẫn đến hành vi trên là do: những người già thì
sức khỏe yếu, đầu óc thiếu tỉnh táo, sáng suốt, không còn sức lao động nên cần
có người chăm sóc; trong khi những đứa con không đủ yêu thương nên không muốn
tốn kém tiền của, thời gian, công sức của mình cho cha mẹ, không đủ kiên nhẫn,
bao dung hoặc cũng có thể do áp lực công việc và gánh nặng cuộc sống đúng
như câu ca dao xưa “Cha mẹ nuôi con bằng trời bể - Con nuôi cha mẹ con kể
từng ngày”.
Bạo lực gia đình giữa các thành viên khác trong gia đình với
nhau cũng đã tồn tại từ lâu nhưng chiến tỷ lệ không lớn, vì mức độ phụ thuộc
giữa các thành viên này không cao như giữa vợ chồng hay cha mẹ với con. Nạn
nhân chủ yếu của loại bạo lực này là phụ nữ và trẻ em khi mà các thành viên này
muốn tham gia vào sự giáo dục những người làm dâu, làm con trong gia đình.
Ngoài ra, những mâu thuẫn trong gia đình không tìm được cách giải quyết cũng
dẫn tới nạn bạo lực giữa các thành viên khác: anh em, chú cháu đánh nhau vì
xích mích, mâu thuẫn trong cuộc sống, vì tranh chấp tài sản, chị em mắng chửi,
nói xấu nhau.
Điều này chứng tỏ một sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của một
bộ phận gia đình hiện nay, nó hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống đề cao
chữ hiếu của dân tộc Việt Nam.
II. Một số quy định pháp luật về bạo lực gia
đình
1. Bạo lực gia đình
Bạo lực được hiểu là dùng sức mạnh để cưỡng bức, trấn áp hoặc
lật đổ. Khái niệm này dễ làm người ta liên tưởng tới các hoạt động chính trị,
nhưng trên thực tế, bạo lực được coi như một phương thức hành xử trong các quan
hệ xã hội nói chung. Các mối quan hệ xã hội vốn rất đa dạng và phức tạp nên
hành vi bạo lực cũng rất phong phú được chia thành nhiều dạng khác nhau tùy
theo từng góc độ nhìn nhận: bạo lực nhìn thấy và bạo lực không nhìn thấy được;
bạo lực với phụ nữ, trẻ em.
Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là: “hành
vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại
về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” (Điều 1
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007). Gia đình là tế bào của xã hội,
là hình thức thu nhỏ của xã hội nên bạo lực gia đình có thể coi là hình thức
thu nhỏ của bạo lực xã hội với nhiều dạng thức khác nhau.
Có thể nhận diện bạo lực gia đình ở những hình thức chủ
yếu sau:
- Bạo lực
về thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn
thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.
- Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm
tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình.
- Bạo lực về tình dục: là tất cả các hành vi mang tính chất
cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc
cưỡng ép sinh con. Bạo lực về tình dục là vấn đề khá tế nhị, người ta thường
hay giấu nhưng nó xảy ra khá nhiều và gây hậu quả làm đổ vỡ gia đình.
- Bạo lực về kinh tế (tài chính): là hành vi xâm phạm tới các
quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền sở hữu tài sản, quyền tự do
lao động…).
* Đối tượng bạo lực và bị bạo lực: Bạo lực giữa vợ, chồng
với nhau; bạo lực giữa cha mẹ và con cái; bạo lực giữa các thành viên khác
trong gia đình.
* Mỗi hình thức bạo lực có thể được biểu hiện dưới nhiều hành vi
khác nhau. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 đã quy định các hành vi
bạo lực bao gồm:
Hành hạ, ngược
đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác
xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người,
con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành
viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng
tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc;
không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng
lực của thành viên gia đình;
Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người
thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây
áp lực thường xuyên về tâm lý;
Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ
trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và
chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời
sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm
xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình
dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm;
cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo
lực;
Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản
trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn
giới tính thai nhi;
Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia
đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
Cưỡng ép thành viên gia
đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm
soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc
về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
Hành vi quy định tại khoản 1 Điều này
được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là
cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như
vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được
xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ
Nguyên tắc phòng, chống
bạo lực gia đình
Phòng ngừa là
chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm.
Tôn
trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo
đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36
tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm
sóc; thực hiện bình đẳng giới.
Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải trong
phòng, chống bạo lực gia đình.
Hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống
bạo lực gia đình phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy
định của pháp luật. Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì trong
quá trình xử lý phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về
trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em.
Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức
và người đứng đầu; chú trọng phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia
đình.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân,
gia đình, cộng đồng.
Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong
phòng, chống bạo lực gia đình đối với cán bộ, công chức, viên chức và người
thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình
Người bị bạo lực gia đình có
các quyền sau đây:
Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm
quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp
khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình;
Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp
dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định của Luật này;
Được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về
nơi tạm lánh và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia
đình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý,
kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý và trợ giúp xã hội
theo quy định của pháp luật;
Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình
khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt
hại về tài sản;
Được thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá
trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, xử lý hành
vi bạo lực gia đình;
Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp
luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng,
chống bạo lực gia đình.
Người bị bạo lực gia đình, người
giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình có
trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến hành
vi bạo lực gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Trách nhiệm của người có hành vi bạo lực
gia đình
Người có hành vi bạo lực gia đình có trách
nhiệm sau đây:
Chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;
Chấp hành yêu cầu, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân
có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ và xử
lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
Kịp thời đưa người bị bạo lực gia đình đi cấp cứu, điều trị. Chăm
sóc người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình, người
giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình từ
chối;
Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do
mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực
gia đình và tổ chức, cá nhân khác.
Người có hành vi bạo lực gia đình là
người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình
thì không được thực hiện quyền của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật
quy định của Luật này đối với vụ việc bạo lực gia đình do mình thực hiện.
Trách nhiệm của thành viên gia đình trong
phòng, chống bạo lực gia đình
Giáo
dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng,
chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và quy định khác
của pháp luật có liên quan.
Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa
các thành viên gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt
ngay hành vi bạo lực gia đình; tham gia chăm sóc người bị bạo lực gia đình.
Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân
và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Thực
hiện các biện pháp trong phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật
này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quyền và trách nhiệm của cá nhân
trong phòng, chống bạo lực gia đình
Được khen thưởng khi có
thành tích trong phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về
thi đua, khen thưởng; được bảo vệ, giữ bí mật về thông tin cá nhân khi báo tin,
tố giác hành vi bạo lực gia đình; được Nhà nước hỗ trợ để bù đắp tổn hại về sức
khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản khi tham gia phòng, chống bạo lực gia
đình theo quy định của Chính phủ.
Cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia
đình có trách nhiệm sau đây:
Báo tin, tố giác ngay cho cơ quan, tổ
chức, cá nhân có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này;
Tham gia bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực
gia đình và các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.
Xử lý vi phạm pháp luật về
Phòng, chống bạo lực gia đình
Điều 41 Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định về xử lý
người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
Tổ chức, cá
nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc
bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy
định của pháp luật.
Trường
hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về phòng,
chống bạo lực gia đình là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng
vũ trang nhân dân thì người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm thông báo cho
người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó.
Như vậy, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo
lực gia đình có thể bị xử lý bằng các biện pháp khác nhau.